[ANL SHARING 18] – ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI 2024 PHẦN 3
05 tháng 6 2024
Tiếp theo chuỗi bài viết về những điểm mới của Luật Đất Đai 2024 (“LĐĐ2024”) so với Luật Đất Đai 2013 (“LĐĐ2013”), AN Legal tiếp tục đưa ra những điểm mới đáng chú ý tại Chương 6 thu hồi đất, trưng dụng đất (Điều 78 – Điều 90) của Luật này.
1. Điều 78. Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Bổ sung một số trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh: (i) công trình thông tin quân sự, an ninh (khoản 4); (ii) bồi dưỡng nghiệp vụ, cơ sở an dưỡng, điều dưỡng, nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân (khoản 8); và (iii) cơ sở tạm giam, tạm giữ; cơ sở giáo dục bắt buộc; trường giáo dưỡng và khu lao động, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh (khoản 10).
2. Điều 79. Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
(a) Bổ sung nội dung ”nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa” tại đoạn trước Điều 79.1.
(b) Quy định lại cụ thể 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất, không chia các trường hợp thu hồi đất dựa trên dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận như Điều 62 LĐĐ 2013.
3. Điều 80. Căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Bổ sung thêm căn cứ thu hồi đất so với LĐĐ 2013 bao gồm: (i) Đã có quyết định đầu tư/Chủ trương đầu tư/Văn bản khác theo quy định; và (ii) Phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trị tái định cư.
4. Điều 81. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
(a) Bổ sung điều kiện về việc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” trước khi thu hồi đất đối với trường hợp: (i) người sử dụng đất hủy hoại đất (Điều 81.2) và (ii) đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng không được đưa vào sử dụng theo quy định (Điều 81.7).
(b) Bỏ trường hợp thu hồi đất: “Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm” (Điều 64.1.e LĐĐ 2013).
(c) Bỏ quy định: “Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai” (Điều 64.2 LĐĐ 2013).
(d) Bổ sung trường hợp thu hồi đất khi sử dụng đất để thực hiện dự án nhưng chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng: “Đất được Nhà nước … cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất...” (Điều 81.8 LĐĐ 2024).
(e) Bổ sung quy định thu hồi đất không áp dụng đối với trường hợp bất khả kháng khi: (i) người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính; (ii) các loại đất nông nghiệp không được sử dụng trong thời hạn và đã bị xử phạt vi phạm hành chính; (iii) Đất được nhà nước cho phép để thực hiện dự án đầu tư nhưng bị chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng và không được gia hạn (Điều 81.9 LĐĐ 2024).
5. Điều 82. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng
(a) Tách quy định về thu hồi đất tại Điều này thành 3 trường hợp: (i) do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật (ii) tự nguyện trả lại đất; và (iii) đất có nguy cơ đe dọa tính mạng con người thành 3 khoản 1, 2, 3 Điều 82 LĐĐ 2024.
(b) Đối với trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất (Điều 82.1), quy định chi tiết và bổ sung trường hợp thu hồi đất khi: (i) chấm dứt dự án đầu tư theo luật đầu tư; và (ii) đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
(c) Bổ sung quy định đối với trường hợp đất bị thu hồi do không có khả năng sử dụng (Điều 82.3): (i) đất khác trong khu vực bị ô nhiễm môi trường không còn khả năng tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định; (ii) đất khác bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác mà không còn khả năng tiếp tục sử dụng.
(d) Bổ sung quy định căn cứ thu hồi đất tương ứng với việc bổ sung các trường hợp thu hồi đất được bổ sung (Điều 82.5): (i) văn bản chấm dứt dự án đầu tư theo luật đầu tư; (ii) văn bản thủ hồi rừng theo quy định; (iii) bổ sung cơ sở đối với thu hồi đất đối với đất được nhà nước giao hoặc cho thuê đất gồm GCN QSDĐ; GCN QSHNO và QSDD ở; GCN QSDĐ, QSHNO và tài sản khác gắn liền với đất; GCN QSDĐ, QSHTS gắn liền với đất.
6. Điều 83. Thẩm quyền thu hồi đất và xử lý trường hợp thu hồi đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản công
Điều chỉnh lại thẩm quyền thu hồi đất của UBND tỉnh và UBND huyện, mở rộng thẩm quyền thu hồi đất của UBND huyện, và không phân chia thẩm quyền theo chủ thể có đất bị thu hồi như LĐĐ 2013.
Thẩm quyền | LĐĐ 2024 | LĐĐ 2013 |
UBND tỉnh | Tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật này |
Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn. |
UBND huyện |
Thuộc trường hợp quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật này không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất;[1] b) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật này[2]. |
Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. |
Tài sản công | Thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. | Không quy định. |
________________________
[1] Điều 78. Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh,
Điều 79. Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
[2] Điều 81. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai,
Điều 82. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng.
________________________
7. Điều 84. Trường hợp thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh
Điều này được bổ sung mới tại LĐĐ 2024 so với LĐĐ 2013.
8. Điều 85. Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
(a) Bổ sung người nhận thông báo thu hồi đất ngoài người có đất thu hồi còn có: (i) chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và (ii) người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có);
(b) Bổ sung nội dung của thông báo thu hồi đất ngoài kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm còn có thêm: (i) lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; (ii) tiến độ thu hồi đất; (iii) kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; (iv) kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
(c) Bổ sung quy định: “Hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất.”
9. Điều 86. Cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi
(a) Quy định chi tiết về cơ quan phụ trách thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
(i) UBND huyện chỉ đạo và tổ chức.
(ii) UBND tỉnh chỉ đạo, theo dõi UBND huyện thực hiện và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn không thuộc thầm quyền của cấp huyện.
(iii) Đơn vị thực hiện nhiệm vụ gồm: (1) Tổ chức phát triển quỹ đất; (ii) Đơn vị tổ chức khác; (3) Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
“Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập đối với từng dự án bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện làm Chủ tịch; đại diện cơ quan tài chính, cơ quan có chức năng quản lý đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi; đại diện của người sử dụng đất có đất thu hồi; một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phù hợp với thực tế ở địa phương. Đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và đai diện các tổ chức chính trị -xã hội khác được mời tham dự họp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giám sát.”
(b) Quy định ngắn gọn về thẩm quyền quản lý đối với đất đã thu hồi mà chưa giao/chưa cho thuê: (i) đối với khu vực đô thị thì giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác, sử dụng; (ii) đối với khu vực nông thôn thì giao cho UBND xã quản lý. LĐĐ 2013 quy định giao cho: chủ đầu tư, tổ chức dịch vụ công, UBDN xã.
10. Điều 87. Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
(a) Một số điểm thay đổi quan trọng của LĐĐ 2024:
(i) Bổ sung bước tổ chức họp và tiếp thu ý kiến của người có đất trước khi ban hành thông báo thu hồi đất (Điều 87.1)
(ii) Quy định chi tiết về quy trình bồi thường hơn so với LĐĐ 2013, thời gian và các trường hợp cưỡng chế thực hiện được quy định rõ, việc tổ chức đối thoại, lấy ý kiến trực tiếp của người có đất được quy định rõ ràng.
(iii) Quyết định thu hồi đất chỉ được ban hành sau khi đã thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
(b) Quy trình bồi thường, hỗ trợ, định cư, thu hồi đất có sự thay đổi
Bước | Điều 87 LĐĐ 2024 | Điều 69 LĐĐ 2013 |
1 | Trước khi thông báo thu hồi đất được ban hành, tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến | |
2 | Thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm | Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm |
3 | Lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư | Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư |
4 |
Thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư |
Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường sẽ được ban hành cùng ngày.
Trường hợp không thực hiện sẽ tổ chức cưỡng chế theo Điều 71. |
5 |
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành quyết định thu hồi đất |
|
6 |
Trường hợp tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà người có đất thu hồi không đồng ý hoặc không phối hợp => thuyết phục và vẫn ban hành quyết định thu hồi đất |
|
7 |
Trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không bàn giao đất => quyết định cưỡng chế thu hồi đất |
|
8 |
Tổ chức phát triển quỹ đất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý đất đã được thu hồi |
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng |
11. Điều 88. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc
LĐĐ 2024 quy định bao quát các trường hợp cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Bổ sung (Điều 88.5): “Lực lượng công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.”
12. Điều 89. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất
(a) Bổ sung chi tiết về thời gian thực hiện cưỡng chế (Điều 89.1.b): “Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc; trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương;”
(b) Bổ sung quy định về việc thi hành quyết định cưỡng chế (Điều 89.3): “trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế hoặc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản về việc người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quyết định cưỡng chế quy định thời gian dài hơn”.
(c) Bổ sung quy định chi tiết về thành phần Ban cưỡng chế thu hồi đất (Điều 89.4.a): “Ban cưỡng chế thu hồi đất, bao gồm: (i) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban; (ii) đại diện các cơ quan có chức năng thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng; (iii) đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (iv) đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi là thành viên và (v) các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định”. Đồng thời, “Ban cưỡng chê chế thu hồi đất mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia giám sát việc cưỡng chế thu hồi đất” (Điều 89.4.d).
(d) Bổ sung quy định về kinh phí cưỡng chế thu hồi đất (Điều 89.6): “Kinh phí cưỡng chế thu hồi đất do ngân sách nhà nước bảo đảm, được lập thành một khoản trong kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
13. Điều 90. Trưng dụng đất
(a) Bổ sung người có thẩm quyền trưng dụng đất (Điều 90.3): Bộ trưởng Bộ Tài chính.
(b) Bổ sung thêm quy định về: (i) trưng dụng tại tài sản gắn liền với đất; (ii) chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trên đây là một số điểm mới đáng chú ý tại Chương 6 của LĐĐ 2024. Các nội dung tiếp theo của LĐĐ 2024 sẽ tiếp tục được cập nhật tuần tới nhé.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết của AN Legal.
-
05 tháng 6 2024
[ANL SHARING 25] – ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI 2024 PHẦN 10
Tiếp theo chuỗi bài viết về những điểm mới của Luật Đất đai 2024 (“LĐĐ 2024”)
-
05 tháng 6 2024
[ANL SHARING 16] – ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI 2024 – PHẦN 1: CÁC NGUYÊN TẮC VÀ QUY ĐỊNH CHUNG
Trong phạm vi bài viết, AN Legal trình bày một số điểm sửa đổi, bổ sung